Nguyễn Huệ Chi  


 

                               

                               

NHÂN ĐỌC BÀI BỌN THAM NHŨNG CHỐNG ĐẢNG1

CỦA VĂN NHƯ CƯƠNG

 

                                                     Nguyễn Huệ Chi

      Rất lâu mới tìm được một bài báo góp ý cho Đảng thật sự bổ ích của một trí thức. Những bài góp ý xây dựng Đề cương Đại hội X không phải không tâm huyết nhưng tiếng nói đóng góp của trí thức xem chừng rất ít. Vì sao? Ai cũng biết trí thức là bộ phận nhạy cảm, hiện tượng hờ hững đó không thể nói là bình thường. Phải chăng nói như một người nào đó, sau bao nhiêu năm sống trong cơ chế “toàn trị”, người trí thức đã thấm thía thân phận của mình, đành mang tâm lý mũ ni che tai, ngậm miệng ăn tiền: nói thật mang vạ vào thân? Có phần đúng mà cũng có phần không đúng. Bởi lẽ nhu cầu “nói sự thật” là một bản năng sống của mọi con người, dầu có phải đào hầm chui xuống để nói. Anh trí thức làm sao sống ngoài bản năng sinh tồn ấy. Cái chính ở đây là nói thế nào, nói với ai. Với Đảng, hình như người ta đã biết quá rõ sau bao nhiêu kỳ Đại hội rồi. Cả người góp cũng thấy cách góp chưa hiệu quả và cả người được góp cũng thấy lời lẽ không thấm vào tai mình. Việc góp thêm chỉ là vô ích, giống như đưa thuốc đến cho một con bệnh đã lờn thuốc. Cho nên, trước một lời mời không kém nhiệt tình mà lạ thay, ai cũng thấy ngần ngại. Hơn nữa, Đảng với trí thức không phải thuộc loại quan hệ “đầy tớ với ông chủ” như Đảng xưng với dân mà có vẻ như là quan hệ giữa Giám đốc công ty và chuyên viên làm việc cho mình. Có điều, công ty đây lại là công ty quốc doanh không cần lời lỗ, thế nên thuê chuyên viên cũng không thực sự cần đến chuyên môn tài giỏi, thuê để gọi là cho có “chuyên viên sáng giá”, thế thôi, còn thì tự mình xoay xỏa lấy cũng xong. Những thế hệ Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Đỗ Đức Dục, Đinh Gia Trinh... trọng vọng hơn nữa là Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... đã từng là “chuyên viên” một thời như thế (không nói đến việc dùng người của cụ Hồ trong vòng một ít năm sau Cách mạng tháng Tám). Gần đây có ý kiến muốn Đảng lại cố gắng tìm ra một thế hệ Phan Kế Toại mới để mời họ vào cơ quan nhà nước của Đảng, kể cũng là một hiến kế đáng suy nghĩ, nhưng có lẽ những hiến kế kiểu này càng làm người trí thức thêm...vì nể, khó lòng mở miệng thốt nên lời. Vì thế một bài báo như của Giáo sư Văn Như Cương bỗng nhiên trở thành một sự kiện được mọi người quan tâm cũng là dễ hiểu thôi.

       Một lẽ thứ hai cũng khiến mọi người càng thêm chú mục là câu chuyện Giáo sư Cương đề cập đang là chuyện thời sự nóng hổi, một đề tài hết sức nhạy cảm. Như hai việc vô hình trung có quan hệ tương hỗ với nhau, vụ việc tham nhũng tầy đình ở Bộ GTVT góp phần soi tỏ những gì đáng gọi là thiết thực nhất trong vô số các bản góp ý vào Đề cương Khóa X Đại hội Đảng CSVN. Mọi lý thuyết cao xa bỗng trở nên vô duyên và những vấn đề cấp bức, nổi cộm, nhức nhối, “cần làm ngay” đã hiện ra lồ lộ. Phải nói, với vụ việc này chứ không phải là với bản Đề cương “nặng” đến 27 tỷ, mới làm thức tỉnh số đông dân chúng nước ta. Chuyện “định hướng”, “kiên trì” này khác, lợi ích cho dân đến đâu nghe chừng còn mông lung, nhưng những gì đang xẩy ra trước mắt thì đụng thẳng đến cái “hầu bao” của mọi gia đình (trong nhiều thế hệ). Báo chí sôi động hẳn lên và có lẽ chưa bao giờ tiếng nói của các phóng viên lại sắc sảo, kiên cường, giàu sức đối thoại đến thế, cũng chưa bao giờ tiếng nói người dân bạo dạn và được đăng tải nhiều đến thế. Trên Talawas ngày 5-4-2006 có ý kiến ngắn Chỉ là công cụ hay trò “giậu đổ bìm leo” của Hoàng Vân tỏ ý chê bai nhiều tờ báo ở Việt Nam đã lên tiếng hơi rùm beng, cho rằng đây là chuyện được “bật đèn xanh từ trung ương” chứ làm gì báo chí đã có tự do. Tôi e từ một con mắt ở thế giới bên ngoài nhìn vào, Hoàng Vân đã có phần cực đoan, đưa ra một định đề La Palice. Cái không tự do của các phương tiện truyền thông Việt Nam 60 năm qua thì sờ sờ ra đấy, khỏi cần phải nói. Nhưng Hoàng Vân không thấy đây là một bằng chứng “bắt tận tay day tận trán” có khả năng làm sụp đổ cả một uy tín lâu nay vẫn tồn tại trong cái tù mù của nó hay sao? Cho dù có chuyện “đục nước béo cò”, phái này đánh phái kia thì cũng chỉ góp phần làm cho mọi chuyện phơi dần ra tất cả mặt trái nhem nhếch lâu nay vẫn cố tình che đậy, khiến cho trong chiều sâu tâm cảm của cả hai phía, phía cầm quyền và phía dân, đều rúng động, không thể nào còn “bằng chân như vại” được nữa. Đó là thời cơ vàng đấy, chứ đâu có phải lúc nào cũng có được! Đương nhiên, nếu nghĩ rằng sau chuyện này mọi thứ sẽ ra ngô ra khoai ngay thì chưa. Dẫu không mất đến “mười mấy năm thừa” như Đạm Tiên đợi nàng Kiều, e cũng còn “hoài công” một thời gian nữa. Đợi cho đến lúc mọi thứ thật chín mùi. Thì sự đời là thế, nhận thức bao giờ cũng có quá trình tiệm tiến và đột biến. Cái đột biến trước sau sẽ tới. Báo chí đã giành được cho mình quyền công khai hóa nhiều sự thật vốn nằm trong bóng tối, tuy rằng có khối sự thật chưa được phép phơi tỏ, như chuyện 30 tỷ đánh bạc ở một Công ty nọ, hay chuyện 300.000 USD cũng đánh bạc ở một quan chức cấp cao kia, mà người Hà Nội đã đồn rần rần. Song thế cũng đã ưu mỹ lắm rồi. Tôi tin rằng cái gì đã đi tới thì không thể lùi, hay nói như phép biện chứng mà chúng tôi thường quen nghe: “một bước lùi” phải kèm theo “hai bước tiến”.

      Bây giờ tôi chuyển sang bài viết của Giáo sư Văn Như Cương. Bệnh tham nhũng không phải là một loại bệnh mới xuất hiện trong xã hội loài người, nó đã xưa như trái đất, nhưng biến chứng của nó ở Việt Nam thì vô cùng nguy hiểm, vì môi trường phát bệnh ở đây khác rất xa với nhiều vùng khác. Nó hoành hành không phải với từng cá nhân mà đang làm ruỗng mục cả một hệ thống, bám lấy hệ thống mà khoét gặm. Cho nên việc gọi tên, định bệnh, tìm cơ chế lây lan và biện pháp chữa trị như Giáo sư Văn Như Cương đã làm là một phát kiến đáng giá, đáng được vị Bộ trưởng Y tế liên danh với Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Khoa học công nghệ cấp bằng phát minh - nếu các vị ấy không bận chữa bệnh cho chính mình - và Ủy ban giải thưởng Hồ Chí Minh xét cấp giải thưởng.

      Tuy nhiên, hình như việc nghiên cứu của Giáo sư chỉ mới nửa vời, nhất là phần kê đơn bốc thuốc. Giáo sư yêu cầu Đảng chống tham nhũng thì Đảng chẳng tuyên chiến với tham nhũng từ mấy năm nay rồi còn gì. Vậy mà vì sao vẫn không chống được, trái lại, hình như nguy cơ trở thành đại dịch còn cận kề hơn. Chỗ nghịch lý là trước đây Đảng đã từng có kinh nghiệm đánh địa chủ và tư sản rất giỏi giang, đánh một cách quyết liệt, đến cùng, cho đến nỗi cả nước từ nông thôn đến thành thị rơi vào cảnh tả tơi, ốm đói suốt mấy chục năm, vì triệt tiêu mất đi những lực lượng biết tổ chức và quản lý sản xuất, làm ra của cải dồi dào cho xã hội. Ta còn biết Đảng cũng đánh “sẩy vẩy” khá nhiều người trong nhiều vụ án nổi tiếng, như ông Nguyễn Phổ con trai văn hào Nguyễn Văn Vĩnh, một cán bộ hoạt động tình báo lâu năm của Đảng, tịch thu đi cả một ngôi biệt thự lớn ở 125 Nguyễn Gia Thiều Hà Nội cùng rất nhiều di sản quý báu do nhà văn hào để lại cho con cháu, đến khi được minh oan thì ông Phổ hoàn toàn trắng tay vì nhà cửa, của cải, vật lưu niệm vô giá... đã trót chia cho các quan lớn mất rồi. Thế mà nay Đảng đánh tham nhũng lại ngó như hơi thận trọng, cầm chừng, hay là quá “bài bản” thì phải. Những tội phạm loại Trần Mai Hạnh, Phạm Sĩ Chiến, Mai Văn Dâu, Lương Quốc Dũng, Trung tướng Bùi Quốc Huy... có kẻ chỉ mới “sờ” được vẻn vẹn có 6.000 Đô “chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, có kẻ sau ít năm bị giam lấy lệ đã chóng vánh được “tháo cũi sổ lồng”? Nguyên nhân do đâu? Do “tình cảm giai cấp” sâu sắc, nồng nàn chi phối từ trong “vô thức”? Do “nghiệp vụ chuyên chính” ngày nay không được “quán triệt” đến nơi đến chốn như thuở trước? Để giải đáp thanh thỏa những câu hỏi ấy tất phải từ bên trong cơ cấu tham nhũng mà xem xét mới có thể lần ra. Tôi nghĩ, Giáo sư Văn Như Cương đã nhận dạng đúng chu kỳ phát sinh phát triển của bệnh và đặc điểm tâm sinh lý cũng như xã hội của những tạng người dễ bị lây bệnh, nhưng khi đưa ra phác đồ điều trị thì ông còn quá dè dặt, chung chung. Ai cũng biết bệnh ấy là “của Đảng, do Đảng” chứ không phải của dân và do dân, thế mà còn đề xuất lấy Đảng chống tham nhũng thì chống sao được? Đề xuất như thế theo tôi khác nào dùng lại những phương cách cổ lỗ, không còn mấy hiệu nghiệm, giống như chính sách mà bọn thực dân trước đây đã từng dùng với dân tộc ta mà sách của Đảng vẫn dạy: “Lấy người Việt trị người Việt”, rốt cuộc chúng có đạt được mục đích đâu. Bởi vậy, hưởng ứng ý kiến của Giáo sư, tôi muốn đóng góp thêm một vài liệu pháp mong giúp Đảng dập tắt được dịch bệnh một cách triệt để.

      Trước hết, muốn trị được bệnh, phải nhìn rõ hiện tượng lắt léo khó đề phòng của con đường truyền bệnh. Bệnh này chỉ lây trong hàng ngũ quan chức cấp cao của Đảng. Chức càng cao thì bệnh càng nặng. Nhưng bệnh lại không bộc phát ở người chức rất cao, mà thường bộc phát ở người có chức vụ trung bình trở xuống. Người chức cao sau cơn nguy kịch thường đều khỏi bệnh với toa thuốc “hạ cánh an toàn”, cùng lắm là “xử lý nội bộ”. Nhiều người chức vụ trung bình cũng khỏi nhờ những toa thuốc đó, nhưng hễ đã bị phát hiện có biến chứng đột tử, gène di truyền giúp người ta nhanh chóng tìm ra cả một bầu đoàn thê tử cùng nhiễm bệnh theo. Ấy nhưng, truy cứu theo hướng di truyền vẫn chưa đủ và có lẽ đó mới là sai phạm chủ yếu trong cung cách đoán bệnh của thầy thuốc, khiến bệnh chữa mãi mà không tài nào dứt điểm cho. Bên cạnh cơ chế lây theo di truyền cần nhớ vẫn còn một cơ chế lây bệnh khác, đáng sợ hơn nhiều: lây theo thần thế, thân quen, bè cánh. Lây bệnh theo di truyền thì từ một trung tâm phát ra ngoại vi, còn lây bệnh theo bè cánh, thân quen, là cách lây lợi hại, xâm nhiễm dần cả hai phía, có khi từ dưới lây lên, lại có khi từ trên lây xuống. Bởi thế, hễ đã phát hiện được nơi đâu có bệnh thì điều quan trọng bậc nhất là phải nghĩ ngay đến nguyên nhân bệnh lây theo phía nào là chính. Nếu là lây từ dưới lên thì còn khả dĩ, vì có thể ngăn chặn từ dưới (như trường hợp Bùi Tiến Dũng), chứ ngược lại, lây từ những bề trên ở cấp tột cao lây xuống thì nguy cơ khó phát hiện bệnh coi như cầm chắc. Do chỗ, bệnh lại không dị ứng với quyền lực, ngược lại chính quyền lực là chất xúc tác ranh ma của bệnh, tỷ lệ thuận với chiều hướng tiến triển của bệnh, có khả năng đình chỉ hoặc làm chậm lịch trình chẩn bệnh và bao che cho con bệnh ngay cả sau khi đã bị xử lý. Đấy là ổ khu trú vững chãi nhất của vi trùng bệnh mà người thầy thuốc dù giỏi mấy cũng đến bó tay. Bệnh đã vào đến đấy là thập tử nhất sinh (Nhớ lại lời người xưa: “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”).

      Lẽ tất nhiên, nếu biết tiếp thu phương pháp hiện đại nhất của khoa học Âu Tây, đến nước đó rồi vẫn còn một biện pháp cuối cùng cứu được người chưa lây bệnh và làm sạch được môi sinh cho bệnh không còn tái diễn, miễn toàn Đảng dũng cảm chấp nhận đây là một cuộc đại phẫu, có rủi ro hay không chưa chắc, duy cái lợi đem lại trước hết là một quốc gia có cơ thể an lành (điều này thì phải nói là thiên nan vạn nan, bởi bệnh tham nhũng là thứ bệnh “kín”, ít ai dám dũng cảm phơi bày ra tất cả, mặt khác nói như Giáo sư Cương, bệnh càng nặng, Đảng càng nguy thì cá nhân mắc bệnh càng sung sướng). Biện pháp rốt ráo ấy là “thay tủy sống” cho hàng loạt bệnh nhân, tức là thay đổi cơ chế Đảng trị của Nhà nước bằng cơ chế xã hội dân chủ, lập một cơ quan chống dịch gồm những người khỏe mạnh, sử dụng các liều thuốc luật pháp đặc hiệu của xã hội dân sự đứng ngoài luật Đảng để ngăn ngừa không cho vi trùng xâm nhập vào cơ thể vàng ngọc của Đảng ta. Một nguyên tắc nhất thiết phải tuân theo là chọn dùng lực lượng chống dịch trong thành phần nhân dân là thành phần tuyệt đối miễn nhiễm đối với bệnh, nhất là thành phần không có một liên hệ máu mủ nào với nơi phát bệnh (những người không ở trong các thứ mặt trận, hội đoàn này khác như Mặt trận Tổ quốc do ông Phạm Thế Duyệt chủ trì). Có thế mới mong dập được ổ bệnh hoàn toàn. Các đội chống dịch này được tổ chức như thế nào cho có hiệu quả, theo hình thức kiềm chế lẫn nhau, thì còn phải trưng cầu ý dân, nhưng sự độc lập giữa chúng với các cơ quan Đảng là điều cần thiết, để khỏi chính người chống dịch lại bị bệnh dịch khống chế.

      Điều cuối cùng, khi bệnh đã phát phải tìm cách khoanh vùng bệnh lại, không cho nó tán phát ra khỏi vùng đang có dịch. Bệnh phát sinh từ trong Đảng thì phải cố gắng khoanh lại ngay trong Đảng để trị. Những việc như đình chỉ tư cách Đảng của ông Nguyễn Việt Tiến (nghĩa là biến ông từ Đảng thành dân) không những không giải quyết được tận gốc mà còn rất tai hại, là một cách thay đổi đột ngột môi trường người bệnh, khiến cho các vị thầy thuốc nhầm lẫn, đáng lẽ tập trung chữa bệnh cho Đảng thì lại nhăm nhăm quay ra chữa bệnh cho dân là người không mắc bệnh bao giờ. Người ta nói việc làm này là đau Đông chữa Đoài, khu vực có bệnh sẽ lây lan trầm trọng hơn vì mất cảnh giác, tưởng người bệnh được cách ly rồi, còn khu vực không có bệnh sẽ bị nghi ngờ vì có những bệnh nhân mới được chuyển đến, do đó bị phong tỏa, tẩy trùng, tốn tiền uống hoặc tiêm thuốc phòng dịch vô ích. Tốt nhất là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến như hiện nay, ai ở khu vực nào hãy cứ nên yên đấy, chờ dập được mầm bệnh đã.

      Làm được những việc như thế, với quyết tâm sắt đá của toàn dân toàn Đảng, tôi dám chắc mọi ca bệnh hiểm nghèo đến đâu cũng sẽ bị diệt, đất nước ta sớm muộn hoàn trả được các món nợ hàng tỷ tỷ, dân chúng no cơm ấm áo, có tự do dân chủ, trở lại khỏe như vâm. Nói theo Nguyễn Trãi: “trong chốn thôn cùng xóm vắng sẽ không còn tiếng hờn giận oán sầu” (ví như cả một làng Thạch Sơn ở Lâm Thao có 105 người chết và 33 người đang chờ chết vì ung thư chỉ trong vòng 15 năm nay, do nhà máy quốc doanh chuyên thải nước hóa chất xuống ngòi, mà đành ngậm tủi không biết kêu ai, sau khi cơ quan y tế đi kiểm tra có kết luận “đanh thép” rằng nước thải hóa chất ấy không gây ô nhiễm đe dọa đến sinh mạng!).

                                                                     Hà Nội 8-4-2006

 

(1) Xin xem tạp chí Tia sáng, số ra từ 1-15 tháng 4-2006.

                                                       

© Copyright Nguyễn Huệ Chi